Gỡ khó bất động sản, Chính phủ ‘thúc’ giải ngân gói 120.000 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua nhà tiếp cận vốn tín dụng

Chính phủ vừa có Công điện 469/CĐ-TTg về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Tại Công điện trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP; Công điện số 1164/CĐ-TTg, Công văn số 178/TTg-CN, Công điện số 194/CĐ-TTg, Thông báo số 133/TB-VPCP và tại các quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước đây.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết. Các Bộ, ngành tập trung hướng dẫn các địa phương về các quy định thuộc lĩnh vực của mình để giải quyết vướng mắc hiện tại, không trả lời né tránh.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên cơ sở bảo đảm sản xuất, kinh doanh, hiệu quả, kịp thời thúc đẩy mở rộng tín dụng phù hợp với xu hướng lạm phát giảm và yêu cầu thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, trong đó chủ lực là 04 ngân hàng thương mại nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP và chỉ đạo các ngân hàng thương mại cổ phần khác tích cực tham gia thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.

Tổ chức triển khai và theo dõi chặt chẽ việc triển khai thực hiện về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn và quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh (nếu có).

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan đề xuất xử lý tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thuộc lĩnh vực quản lý đối với những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền. Trường hợp phải báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng thì phải đề xuất rõ giải pháp, căn cứ pháp lý theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công bố, công khai trên Cổng thông tin điện tử danh mục các dự án và có văn bản gửi tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ để các ngân hàng thương mại có cơ sở áp dụng cho vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa được giải ngân

Trước đó, ngày 24/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ… về tiến độ triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Phân tích về nguyên nhân khiến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn chưa giải ngân được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho rằng nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn không ít vướng mắc về bố trí quỹ đất; thiếu quy hoạch phát triển nhà ở xã hội ở địa phương; quy trình miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội phức tạp, thời gian kéo dài; thủ tục điều kiện để được mua nhà ở xã hội… Vì vậy, một số doanh nghiệp đang chờ đợi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực với quy trình, thủ tục thông thoáng hơn.

Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn mới được ban hành (trong tháng 4/2023) nên các địa phương vẫn đang thực hiện lập danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và những đối tượng đủ điều kiện vay vốn…

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải để “giải cứu” thị trường bất động sản mà là góp phần thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.

Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương cần đẩy nhanh việc lập quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là tại những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương báo cáo định kỳ hằng tháng về tiến độ triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng .

Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất phương án, thời gian hỗ trợ lãi suất phù hợp cho các chủ đầu tư, người mua nhà đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.